Home / Event / Lectio Divina: Sinh Nhật Đức Maria – Mátthêu 1:1-16, 18-23

Lectio Divina: Sinh Nhật Đức Maria – Mátthêu 1:1-16, 18-23

Date: Thứ Bảy 8 Tháng Chín, 2018
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Mùa Thường Niên                                              

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Cha của chúng con,

Cha đã cứu chuộc chúng con và ban cho chúng con trở thành con cái Cha trong Đức Kitô.

Xin Cha hãy đoái nhìn đến chúng con,

Xin Cha hãy ban cho chúng con sự tự do đích thực

Và đưa chúng con đến gia nghiệp mà Cha đã hứa.

Chúng con cầu xin vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Cha,

Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Cha và Chúa Thánh Thần,

Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 

2.  Phúc Âm – Mátthêu 1:1-16,18-23

Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít, con của Abraham: Abraham sinh Isaác; Isaác sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Perét và Zara bởi bà Tamar; Perét sinh Ésrom; Ésrom sinh Aram; Aram sinh Aminađáp; Aminađáp sinh Naácson; Naácson sinh Salmôn; Salmôn sinh Bôát do bà Rakháb; Bôát sinh Ôvết do bà Rút. Ôvết sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Đavít.

Đavít sinh Salômôn do bà vợ của Uria; Salômôn sinh Rôbôam; Rôbôam sinh Avigia; Avigia sinh Asa; Asa sinh Giôsaphát; Giôsaphát sinh Giôram; Giôram sinh Útzia; Útzia sinh Giôátham; Giôátham sinh Akhát; Akhát sinh Êzêkia; Êzêkia sinh Manássê; Manássê sinh Amốt; Amốt sinh Giôsia; Giôsia sinh Giêcônia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêcônia sinh Santien; Santien sinh Zêrúpbabel; Zêrúpbabel sinh Abiút; Abiút sinh Êliakim; Êliakim sinh Azor; Azor sinh Sađốc; Sađốc sinh Akhim; Akhim sinh Êliút; Êliút sinh Êlêaza; Êlêaza sinh Mátthan; Mátthan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, chồng Bà, là người công chính, không muốn tố giác Bà, nên mới định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; Bà sẽ sinh hạ một Con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng:

“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là ‘Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta’”.

 

3.  Suy Niệm

  Hôm nay, ngày 8 tháng 9, lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, bài Tin Mừng cho chúng ta biết gia phả hay căn cước của Chúa Giêsu.  Bằng cách nêu ra danh tánh các tổ tiên của Đức Giêsu, Thánh Sử cho các cộng đoàn biết Đức Giêsu là ai và Thiên Chúa đã hành động trong một phương cách ngạc nhiên như thế nào để thực hiện lời hứa của mình.  Trên thẻ căn cước của chúng ta có tên chúng ta và tên cha mẹ chúng ta.  Có một số người, để cho biết họ là ai, cũng đã nhắc đến tên ông bà của họ.  Những người khác, lại xấu hổ về tổ tiên của họ, về gia đình của họ, và trốn đằng sau các vẻ bề ngoài lừa dối.  Thẻ căn cước của Chúa Giêsu có nhiều tên gọi.  Trên danh sách các tên gọi có một sự mới lạ tuyệt vời.  Thời bấy giờ, bản gia phả chỉ nêu tên những người đàn ông.  Đây là lý do cho điều đáng ngạc nhiên rằng thánh Mátthêu cũng có đề cập đến tên năm người phụ nữ trong số các tổ tiên của Chúa Giêsu:  bà Tamar, bà Rakháb, bà Rút, bà vợ của ông Uria và Đức Maria.  Tại sao ông chỉ chọn đúng năm người phụ nữ này mà không là những người khác?  Đây là câu hỏi mà sách Tin Mừng Mátthêu dành cho chúng ta.

  Mt 1:1-17:  Danh sách dài các tên – bắt đầu và kết thúc của bản gia phả.  Ở lúc bắt đầu và ở cuối của bản gia phả, Mátthêu đã rõ ràng làm cho chúng ta hiểu căn tính của Chúa Giêsu:  Người là Đấng Cứu Thế, là con cháu vua Đavít và là con cháu của ông Abraham.  Là hậu duệ của vua Đavít, Chúa Giêsu là câu trả lời của Thiên Chúa cho sự mong đợi của dân tộc Do Thái (2Sm 7:12 và 16).  Là hậu duệ của ông Ábraham, Người là nguồn ân phúc và hy vọng cho tất cả các dân tộc trên thế gian (St 12:1-3).  Vì vậy, theo cách này, cả dân tộc Do Thái lẫn dân ngoại, là những phần tử của các cộng đoàn tại Syria và Paléstine vào thời của Mátthêu, có thể thấy rằng hy vọng của họ đã được thực hiện nơi Đức Giêsu.

Thiết lập danh sách tổ tiên của Chúa Giêsu, thánh Mátthêu chọn chương trình 3 lần 14 thế hệ (Mt 1:17).  Con số hai là số thuộc về thiên tính.  Số mười bốn là hai lần bảy, mà số bảy là số của sự hoàn hảo.  Vào thời bấy giờ, điều phổ biến để giải thích hoặc tính toán việc làm của Thiên Chúa bằng cách dùng các con số và ngày tháng.  Bằng những cách tính toán biểu tượng này, thánh Mátthêu cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa qua suốt các thế hệ và thể hiện sự tin tưởng của cộng đoàn là những người nói rằng Chúa Giêsu đã hiện diện từ nguyên thủy bởi Thiên Chúa.  Với sự xuất hiện của Người, lịch sử đã đến thời viên mãn.

Thông điệp về việc năm người phụ nữ được nhắc đến trong bản gia phả.  Chúa Giêsu là câu trả lời của Thiên Chúa cho sự mong đợi của cả người Do Thái lẫn dân ngoại, nhưng câu trả lời trong một cách hoàn toàn bất ngờ.  Trong các câu chuyện về bốn người phụ nữ của Cựu Ước, được nhắc đến trong bản gia phả, có điều gì đó khác thường.  Bốn người trong số các bà là dân ngoại, và họ sinh con của họ bên ngoài lề luật phép tắc thông thường thời bấy giờ và họ đã không giữ các quy luật về đức trong sạch của thời Chúa Giêsu.  Bà Tamar, người Canaan, một góa phụ, ăn mặc giả trang thành gái điếm thành Giêricô để ép ông Giuđa giữ tròn lời hứa với bà và cho bà một người con trai nối dõi (St 38:1-30).  Bà Rakháb, một cô gái điếm từ thành Giêricô, hợp tác với những người Do Thái.  Bà đã giúp họ tiến vào miền Đất Hứa và tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Đấng đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ (St 2:1-21).  Bà Báthshêba, người Hê-tít, vợ của ông Uria, đã bị dụ dỗ, cưỡng bức và mang thai bởi vua Đavít, người mà sau đó, còn ra lệnh cho chồng bà bị giết chết (2Sm 11:1-27).  Bà Rút, người Mô-áp, một bà góa nghèo, đã quyết định ở lại với bà Naomi và gia nhập vào dân riêng của Chúa (R 1:16-18).  Được khuyên nhủ bởi bà mẹ chồng Naomi, bà Rút bắt chước bà Tamar và ở qua đêm cùng với ông Bôát, nài nỉ ông tuân giữ lề luật và cho bà một người con trai.  Từ mối quan hệ của họ, ông Ôvết được sinh ra, đó là ông nội vua Đavít (R 3:1-15; 4:13-17).  Bốn người phụ nữ này đặt vấn đề cho mô thức đạo đức áp đặt bởi xã hội theo Phụ hệ.  Và do đó, khởi xướng thông thường của họ sẽ đưa đến một sự nối tiếp dòng dõi liên tục các hậu duệ đến Đức Giêsu và sẽ mang lại ơn cứu độ cho tất cả muôn dân.  Qua họ, Thiên Chúa thực hiện chương trình của mình và sai Đấng Cứu Thế đã hứa đến.  Quả thật, đường lối hành động của Thiên Chúa tạo bất ngờ và khiến cho người ta phải suy nghĩ!  Cuối cùng, độc giả sẽ thắc mắc:  “Thế còn Đức Maria thì sao?  Có điều gì đó bất thường nơi Bà không?  Đó là điều gì?  Chúng ta có được câu trả lời từ câu chuyện của thánh Giuse trong đoạn tiếp theo (Mt 1:18-23).

  Mt 1:18-23:  Thánh Giuse là người công chính.  Điều bất thường nơi Đức Maria là Bà đã mang thai trước khi về chung sống với ông Giuse, vị hôn phu của Bà, là một người công chính.  Chúa Giêsu nói:  “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Biệt Phái, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.  Nếu thánh Giuse chỉ là người công chính theo như sự công chính của người Biệt Phái, thì ông cần phải tố cáo Đức Maria và Bà sẽ phải bị ném đá.  Thai Nhi Giêsu có thể đã chết.  Nhờ sự công chính thực sự của thánh Giuse, mà Hài Nhi Giêsu đã được sinh ra.

 

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

 

–  Khi tôi tự giới thiệu mình với người khác, tôi sẽ nói những gì về bản thân mình và về gia đình mình?

–  Nếu Thánh Sử chỉ đề cập đến năm người phụ nữ này cùng với hơn bốn mươi người đàn ông, dĩ nhiên, ông muốn truyền đạt một thông điệp, vậy thông điệp ấy là gì?  Tất cả những điều này cho chúng ta biết gì về căn tính của Chúa Giêsu?  Và điều này nói gì về chúng ta?

5.  Lời nguyện kết

Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,

Kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,

Nói lên rằng:  triều đại Ngài vinh hiển,

Xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.

(Tv 145:10-11) 

 

Check Also

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B (Ga 20:1-9)

Date: Time: - “Ngày đầu tuần…. khi trời còn tối” Dẫn nhập Phục Sinh là …