Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Chay (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Chay (A)

Date: Chủ Nhật 5 Tháng Ba, 2023
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm A

Chúa Giêsu Hiển Dung

Mt 17:1-9

 

1.  Bài Đọc

a)  Lời nguyện mở đầu:

Ôi lạy Thiên Chúa, Đấng ngự trị trong sự hiển dung vinh quang của Chúa Kitô, Chúa chúng con, Chúa đã khẳng định những mầu nhiệm đức tin bởi sự chứng tá của Lề Luật và của các ngôn sứ và Chúa đã tiên ứng một cách đáng ngưỡng mộ việc xác định chúng con được nhận làm con cái Chúa, nguyện xin cho chúng con biết lắng nghe Lời của Con Yêu Dấu của Chúa để chúng con có thể trở nên đồng thừa tự với đời sống trường sinh của Người.     

b)  Đọc Phúc Âm:

1 Sáu ngày sau, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao.  2 Người biến hình trước mặt các ông:  mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.  3 Và đây Môisen và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người.  4 Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng:  “Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, nếu Chúa ưng, chúng tôi xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia.”  5 Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây bao phủ các ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng:  “Đây là Con Ta Yêu Dấu; rất đẹp lòng Ta.  Các ngươi hãy nghe lời Người.”  6 Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi.  7 Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo:  “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ.”  8 Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.  9 Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng:  “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại.”

c)  Giây phút thinh lặng:

Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  Suy gẫm

a)  Điểm chính của bài đọc: 

Phúc Âm theo thánh Mátthêu khẳng định về việc Nước Trời gần đến.  Đây là lý do tại sao Tin Mừng của Mátthêu là Tin Mừng của Giáo Hội, đó là Dân Riêng của Thiên Chúa được hướng dẫn bởi người Đứng Đầu và là Thầy, đó là Đức Giêsu Kitô.  Đoạn Phúc Âm kể lại sự việc Chúa Hiển Dung tạo nên một phần của bài Tin Mừng, trong đó Tác Giả Phúc Âm phát triển chủ đề sự khởi đầu của Nước Trời sắp đến trong một nhóm các môn đệ sẽ dần dần tạo thành Thân Thể của Giáo Hội.  Chúng ta tìm thấy việc Chúa Biến Hình trong tất cả các sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 9:2-8; Lc 9:28-36), và chúng ta cũng tìm thấy việc nhắc đến sự kiện này trong Thư Thứ Hai của thánh Phêrô (2Pr 1:16-18).  Tuy nhiên văn bản Tin Mừng của thánh Mátthêu (17:1-9) thì trình bày một cách đa dạng hơn.  Sự kiện Chúa Biến Hình được tìm thấy ngay sau lời loan báo đầu tiên về Cuộc Thương Khó và việc đề cập đến những điều kiện cần phải có để theo Chúa Kitô và cũng là sự kiện Con Người vinh hiển sẽ ngự đến trong vinh quang của Chúa Cha (Mt 16:21-28).  Trước khi được vinh hiển, Chúa Giêsu phải đi về Giêrusalem để mầu nhiệm Vượt Qua được ứng nghiệm, đó là:  cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh (Mt 16:21).  Những ai mong ước và muốn theo Chúa Giêsu phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Thầy (Mt 16:24).  Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể thông phần vào sự vinh quang của Người:  “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16:25).  Những ai không muốn chấp nhận Thập Giá trong cuộc đời của Chúa Kitô và do đó trong chương trình đi theo Người, thì bị Chúa Giêsu xem như là “Satan”, bởi vì họ không nghĩ  “theo tư tưởng của Thiên Chúa nhưng làm theo tư tưởng của loài người” (Mt 16:23).  Câu nói mà Chúa Giêsu nói với Phêrô:  “Satan, hãy lui lại đàng sau Thầy!”  (Mt 16:23) nhắc nhở chúng ta về một lời nói tương tự đã được dùng bởi Chúa Giêsu trong dụ ngôn ngày phán xét chung “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người”, (Mt 25:31-46):  “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25:41).  Lời nguyền rủa này được dùng nói cho những người không biết Chúa và vì thế họ không được dự phần trong Vương Quốc của Người.

Theo sau việc Chúa Hiển Dung (Mt 17:1-9) là câu hỏi về ngôn sứ Êlia sắp xuất hiện và việc Chúa chữa lành cho đứa trẻ bị kinh phong (Mt 17:10-21).  Sau những sự việc này, Chúa Giêsu loan báo về Cuộc Thương Khó lần thứ hai của Người (Mt 17:22) và liên quan đến câu hỏi về việc nộp thuế cho các nhu cầu của đền thờ, Chúa Giêsu khéo léo xử dụng những chữ liên quan đến sự thực của tình phụ tử (Mt 17:24-27).  Trong việc Chúa Hiển Dung, Đức Chúa Cha đã phán về Chúa Giêsu rằng “Đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.  Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17:5).  Chúng ta cũng là con cái, trong Người, của cùng một Chúa Cha (Mt 5:45; Mt 17:25-26).

Sau đó Chúa Giêsu tỏ ra chính Người là hướng dẫn viên cho chúng ta trên cuộc hành trình tiến về Nước Trời.  Trong biến cố Biến Hình, Chúa Giêsu được xem như là một ông Môisen mới, Đấng đã gặp gỡ với Thiên Chúa “trên núi cao” (Mt 17:1) trong “đám mây sáng” (Mt17:5), với khuôn mặt Người chiếu sáng (Mt 17:2).  Ông Môisen cũng đã đàm đạo với Thiên Chúa trên núi Sinai (Xh 24:15-18) với da mặt sáng chói (Xh 34:29-35).  Tiên tri Êlia cũng đã gặp gỡ Thiên Chúa trong đám mây trên núi Khô-rếp, núi của Thiên Chúa (1V 19:9-13).  Cũng như trong biến cố tại núi Sinai (Xh 19:20, 33-34), ở đây cũng trong việc Chúa Biến Hình có sự mặc khải về lề luật mới.  Lắng nghe lời Người, Con Yêu Dấu mà Chúa Cha rất hài lòng (Mt 17:5).  Lề luật mới này, được ban ra bởi Thiên Chúa tên núi Ta-bo qua ông Môisen mới, nhắc nhở chúng ta những gì các Tổ Phụ đã nói trong Sách Đệ Nhị Luật:  “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi; anh em sẽ nghe lời người ấy” (Đnl 18:15).  Trong đoạn Tin Mừng Chúa Biến Hình này, điều quan trọng hơn cả lề luật trong đó Chúa Giêsu là việc ứng nghiệm; đó là lý do tại sao sau thị kiến các vị Tông Đồ “đã thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu”  (Mt 17:7).  Sự mặc khải về phần Chúa Cha muốn nhấn mạnh đến là Người công bố về mối liên hệ thiên tính của Đức Giêsu Kitô.  Ngoài lời công bố này trong lúc Chúa Biến Hình, bản tính Con Thiên Chúa được công bố hai lần khác trong Tin Mừng của Mátthêu:  tại phần mở đầu và tại phần kết.  Sau phép Rửa của Chúa Giêsu trên sông Giođan, một tiếng nói từ trời phán rằng:  “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta rất hài lòng về Người” (Mt 3:17); và khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá, viên đội trưởng kêu lên bằng những lời của sự mặc khải và đức tin:  “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa!” (Mt 27:54).  Ngoài ra, trong lời công bố này, Chúa Cha mặc khải về Chúa Giêsu như người tôi trung của Chúa, đã được loan báo bởi ngôn sứ Isaia: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng” (Is 42:1).

Việc nhận ra được bản tính của Con Thiên Chúa, gợi lên trong lòng ba người chứng kiến về sự sợ hãi Thiên Chúa, ngã sấp xuống đất (Mt 17:6).  Tại phần đầu của sách Phúc Âm, trong sự ra đời của Chúa Giêsu, các vị Đạo Sĩ “vào nhà và thấy Hài Nhi Giêsu cùng với thân mẫu Người là bà Maria, liền quỳ xuống sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2:11).  Một phản ứng tương tự cũng được tìm thấy trong Tin Mừng của Gioan, sau khi lời tự mặc khải về Chúa, trong lúc Chúa Giêsu bị bắt tại vườn Giệtsêmani.  Chúa Giêsu nói với họ:  “Chính Ta đây!”  […]  Ngay sau khi Người nói:  “Chính Ta dây”, họ đã lùi lại và ngã xuống đất” (Ga 18:5-6).  Cũng trong Sách Khải Huyền, Gioan “trong phút xuất thần” (Kh 1:10) đã thấy “một Đấng giống như Con Thiên Chúa […] mặt Người tỏa sáng như mặt trời chói lọi” (Kh 1:12-16), và bởi vì tất cả những thị kiến này, Gioan đã ngã vật xuống đất như chết vậy (Kh 1:17).  Các tông đồ trong thư gửi cho các tín hữu ở Rôma Rm 14:11 và ở Phi-líp-phê Pl 2:10 sẽ cống bố trước mặt Chúa rằng: “khi nghe danh thánh Chúa Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Đức Giêsu Kitô là Chúa, trong vinh quang Đức Chúa Cha”.

Thị kiến này liên quan mật thiết đến mầu nhiệm Vượt Qua, có vẻ như một sự hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh trong tất cả vinh quang của Người, đó là lời tiên báo cho đời sống tương lai.  Vì lý do này, “trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông:  “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mt 17:9).

b)  Để chuẩn bị cho việc suy gẫm và thực hiện:

  Đọc lại một lần nữa đoạn Tin Mừng này, và tìm trong Kinh Thánh tất cả các lời trích dẫn về ý chính của bài đọc.  Bạn hãy thử tìm các lời Kinh Thánh tương tự khác để có thể giúp bạn thấu hiểu sâu hơn Lời Chúa trong việc suy gẫm.

  Một vài câu hỏi gợi ý:

i)  Có bao giờ bạn đã tự hỏi Chúa Kitô là Đấng như thế nào chưa?  Sự hình dung của bạn về căn tính của Chúa Giêsu có tương ứng với những gì đã được công bố trong việc Chúa Hiển Dung không?

ii)  Lời công bố về Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa có ý nghĩa gì trong đời sống của bạn?

iii)  Chúa Giêsu không thể nào được thấu hiểu nếu không có mầu nhiệm Phục Sinh của cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Sống Lại.  Mầu nhiệm này có ý nghĩa gì đối với bạn?  Bạn sống với ý nghĩa ấy hằng ngày như thế nào?

3.  Cầu Nguyện

a)  Thánh Vịnh 97:

Con tìm kiếm Nhan Thánh Chúa, Ôi lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Thánh Nhan Người.

CHÚA là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!
Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là công minh chính trực.

Con tìm kiếm Nhan Thánh Chúa, Ôi lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Thánh Nhan Người.


Núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
vị Chúa Tể hoàn cầu.
Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
Chính bởi vì Ngài, muôn lạy CHÚA,
là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu,
Ngài trổi vượt chư thần hết thảy.

Con tìm kiếm Nhan Thánh Chúa, Ôi lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Thánh Nhan Người.

b)  Lời Nguyện Kết:

Lạy Chúa Chí Ái, chúng ta hãy cùng vui mừng hoan hỷ,

Và chúng ta hãy tiến tới mà ngắm nhìn trong vẻ đẹp của Người

Lên núi và lên đồi

Đến nơi có dòng nước tinh khiết tuôn chảy,

Và tiến xa hơn, vào sâu trong ngàn.

(Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca, 36)   

4.  Chiêm Niệm

“Chúng ta hãy tiến tới mà ngắm nhìn trong vẻ đẹp của Người”
Điều này có nghĩa là:  Chúng ta hãy hành động để bằng vào hoạt động yêu thương này, chúng ta có thể đạt được hình ảnh của mình trong vẻ đẹp của Người trong cuộc sống đời đời.  Đó là:  Tôi sẽ biến đổi trong vẻ đẹp của Người đến nỗi mà chúng ta có thể giống nhau trong vẻ đẹp, và cả hai cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của Người, rồi bị vẻ đẹp của Người thu hút; điều này, theo một phong cách mà mỗi người nhìn thấy người kia có thể trông thấy vẻ đẹp của mình trong người kia, bởi vì cả hai đều là vẻ đẹp của Người, tôi đang bị thu hút bởi vẻ đẹp của Người; do đó, tôi sẽ thấy Người trong vẻ đẹp của Người, và Người sẽ thấy tôi trong vẻ đẹp của Người, và tôi sẽ thấy mình trong vẻ đẹp của Người, và Người sẽ thấy chính Người trong tôi trong vẻ đẹp của Người; tôi có thể trông giống Người trong vẻ đẹp của Người, và Người trông giống tôi trong vẻ đẹp của Người, và vẻ đẹp của tôi là vẻ đẹp của Người và vẻ đẹp của Người là vẻ đẹp của tôi; vì thế tôi sẽ là Người trong vẻ đẹp của Người, và Người sẽ là tôi trong vẻ đẹp của Người, bởi vì vẻ đẹp của Người sẽ là vẻ đẹp của tôi; và do đó chúng ta sẽ ngắm nhìn nhau trong vẻ đẹp của Người.  (Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca, 36/5)

Check Also

Suy Niệm Thứ Hai Tuần Thánh B – 2 hình ảnh trái ngược

Date: Time: - Anh chị em thân mến, Hôm nay, trong bầu không khí trang …