Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XX Thường Niên (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật XX Thường Niên (A)

Date: Chủ Nhật 20 Tháng Tám, 2023
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm A

Đón tiếp kẻ bị loại trừ

Người phụ nữ Canaan giúp Chúa Giêsu khám phá ra ý muốn của Chúa Cha

Mt 15:21-28

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gặp một người đàn bà dân ngoại, một việc cấm kỵ vì lý do tôn giáo vào thời bấy giờ.  Thoạt đầu, Chúa Giêsu không để ý đến người phụ nữ này, nhưng bà ta quyết chí và đã toại nguyện.  Bài Tin Mừng này sẽ giúp chúng ta hiểu được làm thế nào Chúa Giêsu đã biết và đưa ý muốn của Thiên Chúa vào sự thực hành.    

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 15:21-22:  Tiếng kêu cứu của người đàn bà

Mt 15:23-24:  Sự im lặng kỳ lạ của Chúa Giêsu và phản ứng của các môn đệ

Mt 15:25-26:  Lời cầu khẩn lặp lại của người đàn bà và sự từ chối lần nữa của Chúa Giêsu

Mt 15:27-28:  Cố gắng lần thứ ba của người đàn bà cầu xin chữa lành cho con gái của mình.

c)  Phúc Âm:  

21-22:  Ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđôn, thì liền có một người bà quê ở Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên cùng Người rằng:  “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!  Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!

23-24:  Nhưng Người không đáp lại một lời nào.  Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng:  “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi.”  Người đáp:  “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.”

25-26:  Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng:  “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”  Người đáp:  “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà vứt cho chó.”

27-28:  Bà ấy đáp lại:  “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống.”  Bấy giờ Chúa Giêsu đáp:  “Này bà, bà có lòng mạnh tin.  Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”  Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Điều gì trong đoạn Tin Mừng tạo sự chú ý cho tôi nhất và phần nào tôi thích nhất? 

b)  Bốn nhân vật xuất hiện trong đoạn Tin Mừng:  người đàn bà, đứa con gái của người đàn bà, các môn đệ và Chúa Giêsu.  Tin Mừng nói gì về thái độ của mỗi người? Bạn nhận thấy thái độ của bạn giống nhân vật nào nhất?  Tại sao?            

c)  Chúa Giêsu nói rằng sứ vụ của Người không cho phép Người lắng nghe lời cầu khẩn của người đàn bà.  Nhưng ngay sau đó Người ban cho bà lời cầu xin ấy.  Bạn giải thích về sự thay đổi thái độ cách đột ngột của Chúa Giêsu như thế nào? 

d)  Làm thế nào mà câu đối đáp của người đàn bà liên quan đến những con chó và các mảnh bánh vụn đã ảnh hưởng đến Chúa Giêsu?

e)  Tại sao những lời ấy tỏ lộ một đức tin mạnh mẽ của người đàn bà?

f)  Những lời của Chúa Giêsu có thể giúp cho cộng đoàn chúng ta phát triển trong đức tin như thế nào?

5.  Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.

a)  Bối cảnh Tin Mừng Mátthêu trong đó đã gìn giữ bảo tồn Lời của Chúa Giêsu:

*  Tin Mừng Mátthêu, được viết vào khoảng năm 85 sau công nguyên, được viết cho cộng đoàn Do Thái đạo đức và tuân giữ lề luật, đã cải đạo để tin vào Chúa Giêsu.  Noi gương Đức Giêsu, họ tiếp tục sống theo truyền thống người Do Thái, tuân giữ lề luật Môisen một cách tuyệt đối.  Nhưng giờ đây, vào những năm 80, họ thấy mình bị rơi vào trong một tình huống mâu thuẫn.  Sau sự tàn phá của thành Giêrusalem (năm 70), những người Biệt Phái, các anh em cùng chủng tộc của họ, đã bắt đầu tái tổ chức Do Thái giáo, và nhân danh lòng trung thành với Luật Môisen, đã tìm cách ngăn cản sự lan truyền của Kitô giáo càng ngày càng tăng.  Họ đã tới mức trục xuất những Kitô hữu ra khỏi các hội đường.  Sự thù nghịch không lường trước này đã đưa cộng đoàn Kitô hữu Do Thái vào cuộc khủng hoảng sâu xa.  Cả người Biệt Phái và Kitô hữu đều tuyên bố trung thành với lề luật của Thiên Chúa.  Ai là người nói đúng?  Thiên Chúa đứng về phe nào đây?  Các di sản của dân tộc Do Thái thuộc sẽ về ai, thuộc về Hội Đường hay thuộc về Giáo Hội?

*  Một cách chính xác để khuyến khích và hỗ trợ nhóm Kitô hữu Do Thái này, Mátthêu đã viết nên quyển Tin Mừng của ông.  Ông viết để xác nhận với họ trong đức tin rằng Chúa Giêsu đích thực là Đấng Cứu Thế, Người là tột điểm của toàn bộ lịch sử Cựu Ước.  Ông viết để gia tăng sức mạnh cho họ khi họ ở giữa chốn thù địch, giúp họ vượt qua được những tổn thương của sự chia lìa với anh em.  Ông viết để gọi họ về với một thói quen mới của đời sống, cho họ thấy con đường dẫn đến hình thức công lý mới, tốt hơn so với của những người Biệt Phái.

*  Trong bối cảnh này, người đàn bà Canaan đã cho cộng đoàn thấy làm cách nào mà cùng một Đức Giêsu đã bước những bước cụ thể vượt qua các giới hạn của một tôn giáo áp đặt lên chính nó và làm cách nào mà Người đã vượt qua nguyên tắc truyền thống để nhận thức rõ ý muốn của Thiên Chúa.

b)  Lời bình giải về Lời của Chúa Giêsu được gìn giữ trong Tin Mừng Mátthêu: 

Mt 15:21:  Chúa Giêsu lui khỏi vùng đất người Do Thái

Trong cuộc thảo luận liên quan đến những gì là thanh khiết và những gì không, Chúa Giêsu đã giảng dạy những điều ngược lại với truyền thống của tiền nhân, tuyên bố tất cả các thức ăn phải được tẩy sạch, đã giúp dân chúng và các môn đệ thoát khỏi các ràng buộc của lề luật thanh tẩy (Mt 15:1-20).  Giờ đây, trong câu chuyện người đàn bà xứ Canaan này, Chúa Giêsu lui khỏi xứ Galilêa, đi vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia và chào đón một người phụ nữ ngoại quốc không thuộc cùng chủng tộc và bị cấm tiếp chuyện.  Tin Mừng của Máccô nói cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã không muốn được biết đến.  Người muốn giữ kín danh tánh.  Nhưng điều hiển nhiên là danh tiếng của Chúa đã lan truyền khắp vùng (Mc 7:24).  Dân chúng đã biết về Người và một người phụ nữ bắt đầu đến kêu cầu cùng Người.     

Mt 15:22:  Lời kêu cầu của người đàn bà

Người đàn bà khác chủng tộc và tôn giáo.  Bà bắt đầu cầu xin cho con gái mình đã bị quỷ ám được chữa lành.  Những người dân ngoại không có vấn đề khi phải chạy đến cậy nhờ vào Chúa Giêsu.  Tuy nhiên, người Do Thái lại có vấn đề cùng hiện hữu với dân ngoại!  Lề luật cấm họ liên lạc với một người khác tôn giáo hoặc khác chủng tộc.

Mt 15:23-24:  Sự yên lặng kỳ lạ của Chúa Giêsu và phản ứng của các môn đệ

Người đàn bà kêu lớn tiếng, nhưng Đức Giêsu không đáp lại lời nào.  Một thái độ lạ lùng!  Bởi vì nếu có một điều chắc chắn trong suốt toàn bộ Kinh Thánh, từ đầu đến cuối, thì điều đó là Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu cầu của kẻ bị áp bức.  Nhưng ở đây Chúa Giêsu đã không lắng nghe.  Người không muốn lắng nghe.  Tại sao?  Ngay cả các môn đệ cũng ngạc nhiên bởi thái độ của Chúa Giêsu và xin Người nói điều gì đó với người đàn bà ấy.  Các ông muốn thoát khỏi tiếng kêu la nên đến gần Người mà xin rằng:  “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”.  Chúa Giêsu giải thích sự im lặng của mình:  “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel.”  Sự im lặng của Người được kết nối với nhận thức về sứ vụ của Người và lòng trung thành của Người với lề luật của Thiên Chúa.  Hình thức thụ động cho thấy là đối tượng của việc chủ động là Chúa Cha.  Như thể Người đã nói:  “Chúa Cha không muốn Thầy nghe lời cầu xin của người đàn bà này, bởi vì Người đã sai Thầy chỉ đến cùng chiên lạc nhà Israel mà thôi!”  Cùng một lý do, vào thời điểm Mátthêu viết quyển Tin Mừng, những người Biệt Phái đã nói rằng:  “Chúng ta không thể tiếp xúc với dân ngoại!”


Mt 15:25-26:  Người đàn bà lặp lại lời cầu xin và Chúa Giêsu lại từ chối bà ta.

Người đàn bà không nao núng trước lời từ chối của Chúa Giêsu.  Tình yêu của người mẹ dành cho đứa con gái đau ốm không nề hà các quy tắc tôn giáo hay là phản ứng của người khác, nhưng tìm kiếm sự chữa trị bất cứ nơi nào mà linh tính của bà dẫn bà đến, đó là, nơi Chúa Giêsu!  Bà ta chạy đến gần hơn, phủ phục dưới chân Chúa Giêsu và tiếp tục van xin:  “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”.  Trung thành với các quy tắc của tôn giáo, Chúa Giêsu trả lời với một dụ ngôn và nói rằng không nên lấy bánh của cho con cái mà ném cho chó.  Sự so sánh được lấy từ cuộc sống hằng ngày.  Ngay cả ngày nay, chúng ta thấy nhiều trẻ em và chó con trong những nhà của người nghèo.  Chúa Giêsu nói rằng không có người mẹ nào lấy bánh từ miệng con cái mình mà ném cho chó.  Một cách cụ thể, con cái là nhà Israel và chó con là dân ngoại.  Hết chuyện!  Vâng lời Chúa Cha và trung tín với sứ vụ của Người, Chúa Giêsu đi trên con đường của mình mà không đoái hoài đến lời cầu xin của người phụ nữ!   

Mt 15:27-28:  Cầu xin lần thứ ba, người đàn bà nhận được sự chữa lành cho con gái bà

Người đàn bà không chịu thua.  Bà ấy đồng ý với Chúa Giêsu, nhưng bà tán rộng sự so sánh và áp dụng vào trong trường hợp của mình:  “Vâng, lạy Ngài, nhưng chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống.  Bà ấy chỉ đơn giản rút ra kết luận từ hình ảnh đó, cho thấy rằng trong nhà của người nghèo (và ở trong nhà của Chúa Giêsu cũng thế) chó con được ăn những mảnh bánh vụn rơi từ bàn những đứa trẻ.  Hơn nữa, khi chính Chúa Giêsu còn là một cậu bé cũng có thể đã thảy những vụn bánh cho những con chó đang lẩn quẩn dưới gầm bàn nơi Người ngồi ăn với cha mẹ Người.  Và trong “nhà của Chúa Giêsu”, đó là, cộng đoàn Kitô hữu của thời ông Mátthêu, vào cuối thế kỷ thứ nhất, đã có “mười hai giỏ đầy” các mảnh vụn (Mt 14:20) cho các “con chó”, đó là, cho những dân ngoại!

Chúa Giêsu lập tức phản ứng:  “Này bà, bà có lòng mạnh tin!”  Người đàn bà đã đạt được những gì bà xin.  Ngay lúc đó con gái bà đã được lành.  Lý do mà Chúa Giêsu đã đáp ứng là Người đã hiểu rằng Chúa Cha đã muốn Người đáp lại lời cầu xin của người đàn bà.  Cuộc gặp gỡ với người đàn bà Canaan đã giải thoát Người khỏi nhà tù chủng tộc và mở ra cho Người đến với toàn thể nhân loại.  Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu đã khám phá ra ý muốn của Chúa Cha bằng cách lắng nghe những phản ứng của dân chúng.  Thái độ của người đàn bà dân ngoại này đã mở ra chân trời mới cho Chúa Giêsu và đã giúp Người có một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch của Chúa Cha.  Ân sủng của đời sống và ơn cứu độ được dành cho tất cả những ai tìm kiếm sự sống và cố gắng giải thoát chính họ khỏi những liên hệ gò bó năng lượng sự sống.  Cảnh này giúp chúng ta nhận biết được chút ít về mầu nhiệm bao quanh con người của Chúa Giêsu, cách thức trong đó Người đã được hiệp thông với Chúa Cha và làm thế nào Người khám phá ra ý muốn của Chúa Cha trong các sự kiện của đời sống.

6.  Thánh Vịnh 6

Chúng ta hãy hiệp nhất cho tiếng kêu cầu của các bà mẹ cho các con của họ

Lạy CHÚA, xin đừng trách mắng con khi thịnh nộ,
đừng sửa trị con lúc nổi lôi đình.
Lạy CHÚA, xin đoái thương, này con đang kiệt sức,
chữa lành cho, vì gân cốt rã rời.
Toàn thân con rã rời quá đỗi,
mà lạy CHÚA, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ?
Lạy CHÚA, xin trở lại mà giải thoát con,
cứu độ con, bởi vì Ngài nhân hậu.
Chốn tử vong, ai nào nhớ Chúa,
nơi âm phủ, ai ngợi khen Ngài?
Rên siết đã nhiều, nên con mệt mỏi,
trên giường ngủ, những thổn thức năm canh,
từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối,
mắt hoen mờ vì quá khổ đau,
thêm suy nhược bởi quân thù vây hãm.
Đi cho khuất, hỡi bọn làm điều ác,
vì CHÚA đã nghe tiếng nức nở ta rồi,
CHÚA đã nghe tiếng ta cầu khẩn,
CHÚA đón nhận lời ta nguyện xin.
Ước gì hết mọi kẻ thù tôi
phải nhục nhã, rụng rời kinh khiếp,
vội tháo lui, nhục nhã ê chề.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

Check Also

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B (Ga 20:1-9)

Date: Time: - “Ngày đầu tuần…. khi trời còn tối” Dẫn nhập Phục Sinh là …