Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XXXII Thường Niên (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật XXXII Thường Niên (A)

Date: Chủ Nhật 12 Tháng Mười Một, 2023
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm A

Dụ ngôn mười cô trinh nữ

Chuẩn bị cho sự xuất hiện bất ngờ của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta

Mt 25:1-13

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:

Bài suy gẫm của chúng ta là về dụ ngôn mười người trinh nữ.  Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu ưa thích xử dụng các sự kiện thông thường trong đời sống của người ta như một phương cách so sánh làm sáng tỏ một số các khía cạnh khó hiểu về Vương Quốc Thiên Chúa.  Trong dụ ngôn mười người trinh nữ, Chúa cấu tạo một câu chuyện chung quanh các thái độ khác nhau của các cô gái đi đón chàng rể trong ngày lễ cưới.  Chúa Giêsu dùng ví dụ này, khá thông thường với mọi người, để làm sáng tỏ sự kiện Vương Quốc Thiên Chúa xuất hiện cách bất ngờ trong đời sống người ta.

Một cách tổng quát, Chúa Giêsu không giải thích dụ ngôn của Người, nhưng phán rằng:  “Ai có tai để nghe, thì hãy hiểu!”  Hay là “Như thế đó.  Các ông đã nghe!  Bây giờ hãy cố gắng mà hiểu.”  Chúa kích thích tính tò mò của người ta, để những dữ kiện của cuộc sống hằng ngày có thể giúp họ khám phá ra những nhắc nhở của Thiên Chúa trong đời sống của họ.  Chúa để người nghe tham dự trong việc khám phá ra ý nghĩa của dụ ngôn.  Kinh nghiệm của mỗi người có về các sự kiện của đời sống như đã nói trong dụ ngôn, góp phần vào việc khám phá ý nghĩa bài dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Điều này cho thấy Chúa Giêsu tin tưởng vào khả năng hiểu biết của dân chúng.  Họ trở thành những người đồng sản xuất cho ý nghĩa.

Vào cuối dụ ngôn của mười cô trinh nữ, Chúa Giêsu nói:  “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào”.  Lời cảnh báo cuối cùng này dùng như là chìa khóa cho bài đọc.  Nó cho thấy chiều hướng suy nghĩ của Chúa Giêsu.  Trong bài đọc này, chúng ta nên tìm cách khám phá trung tâm điểm của dụ ngôn này mà Chúa Giêsu dùng như là một sự so sánh cho Vương Quốc Thiên Chúa.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc: 

Mt 25:1-4:  Thái độ khác nhau của các cô gái đi đón chàng rể:  năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại

Mt 25:5-6:  Sự xuất hiện chậm trễ và xuất hiện bất ngờ trong đêm của chàng rể

Mt 25:7-9:  Thái độ khác nhau giữa những cô khôn ngoan và các cô khờ dại

Mt 25:10-12:  Kết quả khác nhau cho những cô khôn ngoan và các cô khờ dại

Mt 25:13:  Kết luận của dụ ngôn

c)  Phúc Âm:  

1-4:  Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này:  “Nước Trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể.  Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan.  Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo.  Con những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại mang dầu đầy bình.

5-6:  Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.  Nửa đêm có tiếng hô to:  ‘Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người!’

7-9:  Bấy giờ các trinh nữ đều trỗi dậy, sửa soạn đèn của mình.  Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng:  ‘Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt cả.’  Các cô khôn ngoan đáp lại rằng:  ‘E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra hàng mà mua thì hơn.’

10-12:  Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến.  Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và đóng cửa lại.  Sau cùng, các trinh nữ kia cũng đến và nói:  ‘Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi.’  Nhưng người đáp lại:  ‘Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi.’

13:  Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào.”          

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào của bài dụ ngôn bạn thích nhất và điều nào tạo sự chú ý cho bạn nhất?  Tại sao? 

b)  Bối cảnh cuộc sống thường nhật của người ta mà Chúa Giêsu nhấn mạnh trong dụ ngôn này là gì?            

c)  Từ lúc bắt đầu, Chúa Giêsu phân biệt giữa “khôn ngoan” và “khờ dại”.  Sự khôn ngoan và khờ dại có ý nghĩa gì? 

d)  Làm thế nào chúng ta có thể giải thích được câu trả lời nghiêm khắc của chàng rể:  “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi”?

e)  Ở phần kết của dụ ngôn, Chúa Giêsu có ý nói gì về ngày nào và giờ nào?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh trong đó thánh Mátthêu ghi chép lại Lời Chúa Giêsu:

Tin Mừng thánh Mátthêu có hai loại dụ ngôn.  Những dụ ngôn trợ giúp trong việc tìm hiểu về Nước Thiên Chúa hiện diện trong các hoạt đông của Chúa Giêsu, và những dụ ngôn giúp chúng ta chuẩn bị cho sự xuất hiện của Nước Trời trong tương lai.  Loại dụ ngôn thứ nhất được thấy thường xuyên hơn trong thời gian bắt đầu cuộc sống đi rao giảng của Chúa Giêsu.  Loại sau được thấy thường xuyên hơn trong phần thứ hai, khi đã rõ là Chúa Giêsu sẽ bị bắt, hành hạ, và bị giết bởi những người cầm quyền dân sự và tôn giáo.  Nói cách khác, cả hai khía cạnh của Nước Trời được tìm thấy trong các dụ ngôn:  1)  Nước Trời đã hiện diện, ở đây và bây giờ, ẩn dấu trong các sự việc của đời sống hằng ngày và có thể được khám phá và hiểu rõ giá trị bởi chúng ta;  2)  Nước Trời tương lai vẫn đến và vì thế mỗi người chúng ta phải chuẩn bị bắt đầu từ bây giờ.  Sự căng thẳng giữa việc đã đến và chưa đến ảnh hưởng đến đời sống người Kitô hữu.  Ngày Chúa Giáng Sinh lập tức là một dịp mừng Nước Trời đã hiện diện và sự mong đợi Nước Trời vẫn sắp tới.  

b)  Lời bình giải về Lời của Chúa Giêsu được ghi lại trong Tin Mừng Mátthêu: 

Mt 25:1-4:  Thái độ khác nhau của các cô gái có nhiệm vụ đi đón chàng rể:  năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại.

Chúa Giêsu bắt đầu dụ ngôn với những lời này:  “Nước Trời giống như …”  Điều này có nghĩa bài dụ ngôn mười người trinh nữ là về Nước Trời sắp đến trong tương lai mà chúng ta phải chuẩn bị bắt đầu từ bây giờ.  Để làm sáng tỏ về khía cạnh này của Nước Trời, Chúa Giêsu xử dụng tục lệ phổ quát của việc mời các cô gái trong làng để đi đón chàng rể cùng vào tiệc cưới.  Ho phải đón chàng rể với đèn thắp sáng.  Tuy nhiên, các ngọn đèn thì nhỏ và nó chỉ chứa đủ dầu trong một thời gian giới hạn.  Đó là lý do tại sao mỗi cô phải bắt buộc mang theo dầu dự trữ, bởi vì cuộc hành trình của chàng rể có thể phải lâu hơn là thời gian mà số dầu giới hạn trong đèn có thể tồn tại.

Sau đây là những gì hàm ý trong câu chuyện mười cô trinh nữ:  những người đã lãnh nhận một nhiệm vụ thì họ phải chuẩn bị cho mình theo những nhu cầu của nhiệm vụ đó.  Cô thiếu nữ, đã chấp nhận làm phù dâu lại đám cưới, phải làm những gì cần thiết cho nhiệm vụ này.  Cô ta phải lo toan và mang đủ dầu cần thiết cho cây đèn.  Những người phải thực hiện một cuộc hành trình dài 100 km trên một đoạn đường không có trạm xăng, và những ai biết điều ấy, và chỉ đem theo đủ xăng để đi được 50 km, là những người sơ suất hoặc là không biết lo xa.  Người ta sẽ nói:  “Đồ ngốc, chúng không có trí óc”.

Mt 25:5-6:  Sự xuất hiện chậm trễ và xuất hiện thình lình trong đêm của chàng rể.

Tiến trình của các sự kiện được kể bởi Chúa Giêsu thì khá bình thường.  Đêm đến, chàng rể đến chậm.  Các cô gái, với tất cả các hảo ý và không cố tâm, đang thiếp ngủ đi.  Họ cố gắng tỉnh thức bởi vì chàng rể có thể đến bất kỳ lúc nào.  Đột nhiên có tiếng hô to:  “Kìa, chàng rể đến!”  Đó là dấu hiệu tất cả họ đang mong chờ.  Vào lúc thời điểm cấp bách này giá trị của một người được tỏ lộ.  Những điều bất ngờ xảy ra cho chúng ta, không tùy thuộc vào ý muốn của chúng ta, sẽ cho thấy chúng ta là người biết lo xa hay là người khờ dại.

Mt 25:7-9:  Thái độ khác nhau của những cô khôn ngoan và các cô khờ dại.

Khi họ tỉnh thức, các cô gái bắt đầu chuẩn bị đèn đuốc họ cần để soi đường.  Đã đến giờ phải chêm dầu vì dầu trong đèn đã gần cạn.  Những cô đã không mang theo dầu dự trữ với họ thì chạy đi hỏi vay từ những cô có đem thêm dầu.  Những cô này trả lời rằng họ không thể cho họ vay dầu, bởi vì e không đủ cho cả bọn.  Nếu đó chỉ là một câu hỏi về thắp sáng cho lối đi, các cô khôn ngoan có thể nói:  hãy đi bên cạnh chúng em và các chị sẽ có thể nhìn thấy đường.  Nhưng đó không là một câu hỏi về thắp sáng cho lối đi.  Đèn đuốc cũng là một dấu hiệu của lễ hội và thắp sáng cho sự xuất hiện của chàng rể.  Đây là nhiệm vụ của các cô phù dâu:  mỗi người phải có đèn trong tay.

Tại thời điểm quan trong, các cô khờ dại lại chạy đi vay.  Họ nài xin các cô khôn ngoan chia cho họ ít dầu.  Chia sẻ là một hành động rất căn bản và quan trọng trong những cộng đoàn dân Chúa.  Nhưng trong trường hợp này, đây không phải là vấn đề chia sẻ, bởi vì nếu các cô khôn ngoan cho các cô kia vay dầu của họ, họ có thể gây thiệt thòi cho chàng rể và làm hỏng tiệc cưới.  Rồi thì chính họ và các cô gái kia không ai sẽ làm tròn nhiệm vụ mà họ đã nhận lãnh.  Đó là lý do tại sao các cô khôn ngoan đã phải từ chối lời yêu cầu của các cô khờ dại và đưa ra lời khuyên thực tiễn:  “Các chị ra hàng mà mua thì hơn!”  Tuy nhiên, trời đã nửa đêm và khó mà tìm được một cửa hàng còn mở.

Mt 25:10-12:  Kết quả khác nhau cho các cô khôn ngoan và các cô khờ dại.

Trong khi các cô khờ dại đi mua dầu, chàng rể đã đến và những cô đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại.  Trong bài dụ ngôn, các cô khờ dại đã tìm được cửa hàng còn mở và mua được ít dầu.  Cuối cùng các cô đã đến trễ và gọi cửa:  “Xin mở cửa cho chúng tôi!”  Chàng rể (hay có vẻ như đó là chàng rể) đã đáp một cách gay gắt:  “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi.”

Mt 25:13:  Lời kết luận:  Hãy tỉnh thức.

Lời kết luận được đưa ra bởi chính Chúa Giêsu ở cuối câu chuyện là một câu nói có thể được xem như là chìa khóa cho toàn bộ bài dụ ngôn:  “Hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào hoặc giờ nào!”  Thiên Chúa có thể đến bất cứ lúc nào trong cuộc đời của chúng ta.  Mọi người phải sẵn sàng.  Giống như các cô trinh nữ tại tiệc cưới, tất cả mọi người phải thận trọng, lo xa và mang đủ dầu.  Đó là, mọi người phải thấy rằng họ không phải là lý do cho những người khác đi lạc lối; ngay cả khi những người ấy khăng khăng về những việc tốt lành mỏng mảnh như chia sẻ.  Tất cả mọi người phải luôn luôn cảnh giác trong việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.                  

c)  Kết luận:

Làm thế nào chúng ta có thể giải thích được câu nói gay gắt:  “Ta không biết các ngươi!”  Chúng tôi đề nghị hai câu trả lời khả dĩ:    

  Nhiều dụ ngôn chứa đựng một điều gì đó lạ lùng:  người cha không rầy la người con hoang đàng, người chăn chiên bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc, người Samaritanô cư xử nhân hậu hơn thày cả và người tư tế Lêvi, v.v.  Thông thường, những khía cạnh ngạc nhiên và khác lạ này ẩn chứa một chìa khóa quan trọng cho sự khám phá trọng tâm của dụ ngôn.  Vì thế, trong bài dụ ngôn mười cô trinh nữ có một số những điều kỳ lạ thường không xảy ra:  1) Các cửa hàng không mở cửa vào ban đêm, 2) Cánh cửa tại lễ cưới thường không đóng, 3) Thông thường, chàng rể sẽ không bao giờ nói:  Ta không biết các ngươi.  Qua những dữ kiện lạ lùng này mà chủ đề chính của lời giảng được chuyển tải qua bài dụ ngôn.  Đó là gì?  “Ai có tai thì hãy nghe!”

  Chàng rể đến vào nửa đêm trong bài dụ ngôn chính là Chúa Giêsu.  Đó là bối cảnh mà các đoạn văn khác trong Phúc Âm và trong Cựu Ước hàm ý.  Trong cuộc trò chuyện của Chúa với người phụ nữ Samaritanô, Chúa Giêsu nói rằng chị ta đã có năm đời chồng và người hiện đang sống chung với chị bây giờ, người thứ sáu, không phải là chồng chị.  Người thứ bảy là Đức Giêsu, người phối ngẫu thực sự (Ga 4:16-18).  Trong khi chàng rể còn ở với các môn đệ, họ không cần phải ăn chay (Mc 2:19-20).  Từ thời ngôn sứ Hôsê, thế kỷ thứ tám trước Chúa Kitô, trong dân chúng đã có nhen nhúm một mối hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ có thể trở nên thân thiết với Thiên Chúa như chàng rể với cô dâu (Hs 2:21-22).  Tiên tri Isaia nói rõ ràng:  Thiên Chúa muốn là chàng rể của dân chúng (Is 54:5; Gr 3:14), để vui mừng với dân của Người như chàng rể vui mừng trong sự hiện diện của cô dâu (Is 62:5).  Niềm hy vọng này được thực hiện trong sự sắp đến của Chúa Giêsu.  Khi Đức Giêsu đi vào cuộc sống của một người, tất cả mọi người khác đều phải rút lui, bởi vì Người là chàng rể.  Quan điểm này về căn bản của câu chuyện và về hằng thế kỷ dài hy vọng của dân chúng đã giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa câu nói gay gắt của chàng rể:  “Ta không biết các ngươi!”  Bởi vì thiếu tính chất quyết tâm và thành thật, năm cô khờ dại cho thấy rõ ràng rằng họ chưa sẵn sàng để cam kết dứt khoát nên duyên phối ngẫu với Thiên Chúa.  Họ cần thêm thời gian để chuẩn bị cho bản thân:  “Hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào hoặc giờ nào”.   

6.  Thánh Vịnh 63:2-9                                                                                                      

Tâm hồn khát khao Thiên Chúa

Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.

Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ,
suốt năm canh thầm thĩ với Ngài.
Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.

Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

Check Also

Lịch Sử Áo Đức Bà Dòng Cát Minh

Date: Time: - Áo Đức Bà Carmelo (Cát Minh) là đặc ân Đức Mẹ hiện …